Họ hỏi rằng “ở Việt Nam mà cũng có quế và hồi à? Tôi nghĩ nó từ Ấn Độ hoặc Trung Quốc chứ”. “Tôi đã buồn phát khóc khi nghe họ nói như vậy”... CEO Vinasamex - Công ty Quế Hồi Việt Nam nói.
Từ lâu, rừng quế đã được coi như của hồi môn quý giá đối với nhiều gia đình bản địa và là nguồn thu duy nhất để họ dựng vợ, gả chồng, xây nhà hay kiếm tiền cho con cái đi học. Chỉ hơn 10 năm trước, cứ thu hoạch xong quế là người dân đem bán. Họ không biết cách bảo quản hay tích trữ sản phẩm.
“Hôm nay tư thương mua với giá 15.000 đồng/kg; ngày mai họ hạ xuống 10.000 đồng/kg và ngày kia có thể họ chẳng mua nữa nhưng chúng tôi vẫn phải bán” – đó là tâm sự quen thuộc của những người dân.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với những hộ dân trồng hồi ở vùng núi phía Bắc. Trong khi nhu cầu quế, hồi trên thế giới rất lớn, những người nông dân trực tiếp trồng ra loại cây này ở Yên Bái, Lạng Sơn và nhiều vùng khác vẫn sống một cuộc đời nghèo khó và phụ thuộc như vậy.
Thế nhưng, nhiều cuộc đời đã thay đổi kể từ khi Công ty CP Sản xuất & Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) và CEO Nguyễn Thị Huyền xuất hiện, bắt tay đồng hành cùng bà con nông dân. Cuộc sống của các gia đình đã dần dần được cải thiện. Không ít hộ còn rỉ tai nhau rằng: nhà nào càng có nhiều hồi, nhiều quế thì nhà đó càng giàu có.
Mối duyên với quế, hồi và khoản học phí hàng tỷ đồng
Ở tuổi 33, CEO Nguyễn Thị Huyền đã có hơn một thập kỷ gắn bó với quế, hồi. Vốn là sinh viên ngành ngoại ngữ, Huyền chưa từng nghĩ sẽ kinh doanh các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Nhưng giống như cách mà nữ doanh nhân này giải thích “là nghề chọn tôi chứ không phải tôi chọn nghề”.
Thời mới ra trường, Huyền làm nhân viên xuất nhập khẩu và ngày đi làm đầu tiên đã đưa khách nước ngoài lên rừng hồi trải nghiệm. Cô gái trẻ lúc đó đã thốt lên “trời ơi” khi lần đầu tiên trong đời được chứng kiến cánh rừng đẹp đến như vậy. Và cũng từ cơ duyên ấy, Huyền bắt đầu yêu thích và kinh doanh sản phẩm quế, hồi.
Thời điểm đó, người nông dân chủ yếu bán hai loại hương liệu này cho các tư thương để họ mang ra cửa khẩu Trung Quốc, giá cả không ổn định và xảy ra nhiều tranh chấp. Qua tìm hiểu, Huyền biết được Ấn Độ là nước tiêu thụ rất lớn sản lượng hoa hồi và quế của Việt Nam.
“Sau nhiều thời gian nghiên cứu, tôi thấy đây là sản phẩm rất tiềm năng bởi không chỉ có thể bán được sang Trung Quốc mà còn có thể mang đi Ấn Độ hay Bangladesh”, nữ CEO kể lại.
Năm 2012, Huyền cùng chồng chính thức thành lập Vinasamex với định hướng tiến vào thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường xuất khẩu cao cấp.
Đến với nông sản Việt Nam bằng tình yêu và sự nhiệt huyết nhưng Huyền thừa nhận cô cũng phải trả rất nhiều “học phí” trong hành trình của mình. “Một trong những bài học đau thương đầu đời là việc tôi mang tiền đi mua hàng ở thời điểm giá cao nhất năm 2011”, cô bộc bạch.
Với 10 tỷ đồng có được từ những dự án kinh doanh trước, vợ chồng Huyền đem mua hàng ở giai đoạn giá cao đỉnh điểm là 120.000 đồng/kg. Sau khi bán được 3 container có lãi một chút, số hàng còn lại phải để trong kho vì thời điểm đó Ấn Độ không mua hàng của Việt Nam. Một năm sau, họ mua trở lại nhưng giá bán khi đó chỉ được bằng 1/3 giá nhập.
“Năm đầu tiên hạch toán về tài chính, chúng tôi lỗ khoảng 3 - 4 tỷ đồng và đến năm tiếp theo cũng lại lỗ 3 - 4 tỷ đồng”, Huyền chia sẻ và cho biết chính những thất bại như vậy đã cho cô rất nhiều bài học quý giá khi kinh doanh sau này.
Buồn phát khóc khi người nước ngoài nói "Việt Nam cũng có quế, hồi à?"
Từ nhận gạch đá
Hơn 10 năm trước, để đến được những vùng trồng quế, hồi của Việt Nam, Huyền và những người đồng hành từng mất rất nhiều thời gian vì đường xấu, phải trải qua nhiều đèo dốc, ổ gà, ổ voi trơn trượt.
Thế nhưng trở ngại đó chẳng là gì nếu so với khó khăn khi thuyết phục những người nông dân bắt tay hợp tác với mình. Họ phần lớn là người dân tộc thiểu số, ở vùng Lạng Sơn là người Tày, Nùng; Lào Cai là Mường, Dao, Thái. Không bán được hàng đồng nghĩa với việc họ không có tiền cho con đi học, cũng không mua được thứ gì để đảm bảo cuộc sống.
“Thấy họ nghèo như thế, trong tâm tôi rất thương, tôi nghĩ nếu doanh nghiệp của mình cứ làm hoài, phụ thuộc vào Ấn Độ mà không bán được hàng, bán với giá rẻ bèo như thế nó không có giá trị gì cả. Trong khi đó, thị trường ngoài kia có nhu cầu rất lớn, dân mình thì cứ mãi nghèo, mình phải làm cái gì khác đi. Đó là bước ngoặt để tôi quyết định thay đổi”, nữ doanh nhân xúc động nói.
Huyền kể thời gian đầu, Vinasamex nhận rất nhiều "gạch đá" và cả sự ngăn cản từ bạn bè, người thân cũng như sự hoài nghi từ các hộ nông dân, chính quyền và các doanh nghiệp khác. Họ bảo cô "bị khùng", "tại sao đang xuất đi thị trường Ấn Độ như vậy, tiêu thụ được nhiều như vậy mà lại thay đổi, lại đi đào tạo người nông dân, làm việc với chính quyền”.
“Rất nhiều lực cản đòi hỏi mình phải vượt lên, phải kiên định và tạo niềm tin cho họ”, Huyền nói và cho biết cô nhất định không bỏ cuộc.
Năm 2013, Vinasamex bắt đầu xây dựng chuỗi giá trị với người nông dân. Công ty không mua qua tư thương nữa mà làm việc với từng hộ nông dân để tạo ra chuỗi giá trị, gọi là các nhóm nông dân sở thích. Vinasamex đào tạo, hướng dẫn bà con trồng quế, hồi theo phương pháp hữu cơ (organic), áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào việc chế biến nguyên liệu thô chất lượng cao và tinh dầu hồi.
“Chúng tôi bắt đầu với vài hộ nông dân thôi, sau một năm hợp tác với công ty có kết quả thì các hộ nông dân khác dần tin tưởng. Chúng tôi cứ thế đi từng bước nhỏ và từ đầu luôn cam kết mua cho bà con với giá cao hơn 5-10% của thị trường để giúp họ cải thiện sinh kế”, CEO Vinasamex chia sẻ.
Quá trình làm việc với các hộ nông dân cũng gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều người dân tộc thiểu số không biết chữ, phải nói nhiều lần họ mới hiểu. Đó là một hành trình Vinasamex và CEO Nguyễn Thị Huyền dành nhiều thời gian tâm sức thuyết phục, động viên, thậm chí trả phí đi lại, ăn uống để khuyến khích người dân đi học. Việc đào tạo phải lặp lại nhiều lần, mỗi khoá kéo dài vài tuần để người trồng nắm vững quy trình. Các hộ dân cũng được phát các bao tải sạch để đựng sản phẩm thu hoạch, thay vì đựng vào các bao phân hoá học cũ như trước đây.
... Đến trải thảm đỏ
Huyền cho biết, từ vài hộ nông dân ban đầu, đến nay Vinasamex đã ký trực tiếp với 3.000 hộ nông dân hợp đồng bao tiêu trực tiếp trong chuỗi giá trị hữu cơ. Còn nếu tính cả tác động lên họ thông qua truyền thông, ngành nghề và giá cả thì lên tới 15.000 hộ.
Con đường đất đầy ổ gà nơi Vinasamex đặt nhà máy năm nào giờ đã thành đường bê tông lên tận đỉnh đồi để thu hoạch quế. Cuộc sống của những người nông dân cũng ngày càng sung túc hơn. Cách đây 5-6 năm thu nhập của họ chỉ 7-10 triệu/ha, nhưng bây giờ thu nhập của một hộ là 150 triệu/ha.
Không chỉ cải thiện thu nhập, Huyền còn thấy vui khi góp phần giúp những người nông dân ở vùng núi hiểu rõ về sản phẩm hữu cơ và thay đổi tư duy. “Họ nói với tôi rằng rất biết ơn công ty vì đã giúp họ biết thế nào là ăn sạch, uống sạch”.
Bên cạnh đó, Vinasamex cũng xây dựng dự án thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ, có các hoạt động để chị em tự tin và tự chủ hơn trong việc đưa ra quyết định trong gia đình.
Công ty của Huyền hiện có 4 vùng nguyên liệu chính ở Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn; một nhà máy ở Yên Bái và hiện đang xây dựng thêm 2 nhà máy nữa. Vinasamex đã đồng hành tạo công ăn việc làm cho 70-100 lao động thường xuyên và 300 lao động thời vụ. Mỗi năm, công ty xuất khẩu 1.000 - 2.000 tấn hồi, quế mang thương hiệu Việt đến nhiều thị trường khó tính trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trong hơn 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, trong khi nhiều doanh nghiệp kinh doanh khó khăn và phải sa thải nhân viên, doanh thu của Vinasamex vẫn tăng và thu nhập của người lao động được đảm bảo.
Nhận thấy những tác động tích cực mà Vinasamex mang lại, thay vì từ chối như trước kia, nhiều nơi đã “trải thảm đỏ”, mong muốn công ty này đến xây dựng nhà máy và quy hoạch vùng nguyên liệu, giúp cải thiện đời sống của người dân.